Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Phó Chủ tịch Quốc hội kể về những cảnh vệ thân tín

P.Thảo

Dân Trí - “2 đồng chí Đại tá của tôi đã thuỷ chung gắn bó suốt 15-16 năm nay. Hoàn cảnh tác nghiệp của anh em nhiều khi cũng gian khó lắm, riêng khoản phải uống rượu đã đủ chết…” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ khi nói về Luật Cảnh vệ được trình xin ý kiến Thường vụ Quốc hội sáng nay 15/8.

Những chức danh nào được bảo vệ nghiêm ngặt?

Tờ trình do Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày nêu một thay đổi về đối tượng cảnh vệ, ngoài chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao để phù hợp với tình hình hiện nay về công tác cảnh vệ vì các chức danh này là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở rộng hợp tác quốc tế thì tính chất công việc của họ ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường, đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này. Vì vậy, cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các chức danh đó.

Thẩm tra nội dung này, báo cáo của UB Quốc phòng An ninh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành vì cho rằng, việc triển khai thực hiện công tác cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua là phù hợp, đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Một số ý kiến nhất trí đề xuất bổ sung các đối tượng được bảo vệ gồm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vì cho rằng các chức danh này có tầm ảnh hưởng quan trọng, liên quan đến hoạt động đối ngoại và hoạt động phòng, chống tội phạm, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống khủng bố, tham nhũng hiện nay.

Một số ý kiến đề nghị thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ theo hướng chỉ tập trung cho các yếu nhân (Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ) và một số vị trí thực sự đặc biệt quan trọng có liên quan đến an ninh chính trị, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc mà các thế lực thù địch luôn tìm cách để tấn công.

Theo quan điểm này, việc thu hẹp đối tượng cảnh vệ là phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước hiện nay. Mặt khác, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở nước ta ổn định đã được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng băn khoăn, Chánh án TAND tối cao, theo quy định là Bí thư TƯ Đảng - cũng là đối tượng được bảo vệ đặc biệt rồi, có cần thiết phải ghi vào luật về chế độ cảnh vệ?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận định, không nhất thiết mở rộng đối tượng cảnh vệ vì nếu đưa Bộ trưởng Ngoại giao vào nhóm các đối tượng bảo vệ thì trong hoàn cảnh khác, các Bộ trưởng khác sẽ thế nào, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao đã cơ cấu uỷ viên Bộ Chính trị rồi?

Bà cháu đi chợ cũng phải… trốn cảnh vệ

Cơ quan soạn thảo luận cũng đề nghị thay đổi quy định hiện hành về biện pháp cảnh vệ áp dụng đối với các cá nhân là nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận, bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết.

Theo Bộ trưởng Công an, thực tế cho thấy, khi không còn đương chức, nơi ở của các chức danh nêu trên thường không cố định, có cựu lãnh đạo ở cùng con cháu hoặc về quê sinh sống nên rất khó áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở.

Mặt khác, qua tham khảo pháp luật cảnh vệ của một số nước trên thế giới như Nga, Hàn Quốc, Bộ trưởng Công an cho biết, các nước này cũng không áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở của các cựu lãnh đạo.

Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định các cá nhân này được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết mà không quy định việc áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở đối với các trường hợp này.

Góp ý nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng bỏ quy định lập chốt bảo vệ tại nơi ở của 4 chức danh lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước khi về hưu… không tiện vì hiện chỉ còn một vài cán bộ thuộc diện này, tuổi đã đều trên 70 cả, không nên “cắt” chế độ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thì yêu cầu quan tâm chế độ đặc thù cho lực lượng cán bộ cảnh vệ. Từ thực tế hoạt động các cán bộ cảnh vệ của mình (là uỷ viên Bộ Chính trị, bà Phóng thuộc đối tượng bảo vệ 24/24h - PV), Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định “anh em làm việc rất gian khó”, phải tác nghiệp độc lập, hoàn toàn chủ động, khó trông chờ sự hỗ trợ bên ngoài.

“2 đồng chí Đại tá của tôi, đã thuỷ chung gắn bó suốt 15-16 năm nay, có tiến bộ rất nhiều. Theo quy định bảo vệ 24/24 thì có một người bám việc lại đảo cho người kia đi huấn luyện, tập tành. Hoàn cảnh tác nghiệp của anh em nhiều khi cũng gian khó lắm, riêng khoản phải uống rượu đã đủ chết, chị không uống được thì các em phải uống thay, trong khi yêu cầu công việc luôn phải tỉnh táo…” - Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Trong khi đó, các lãnh đạo nhiều khi cũng khó tự nhiên với việc có lực lượng bảo vệ luôn kề bên. Phó Chủ tịch Quốc hội kể, có khi 2 bà cháu đi chợ với nhau phải tìm cách… trốn cảnh vệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét