LĐO - Nhiều phụ huynh tại huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) bức xúc trước chủ trương của Phòng Giáo dục huyện này “bắt buộc” trẻ em đang học tại các lớp mầm non trên địa bàn huyện chỉ được sử dụng 3 loại sữa của 3 Cty theo quy định.
Một phụ huynh đề nghị dấu tên hiện có con đang học tại trường mầm non trên địa bàn cho biết, văn bản ngày 8.8.2016 của Phòng GDĐT huyện Hòa Vang nêu rằng để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, đồng thời nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường mầm non, Phòng GDĐT huyện đề nghị các trường trên địa bàn chỉ được phép hợp đồng tối đa 3 / 4 Cty cung cấp sữa đã ký cam kết với Phòng trước đó.
Theo văn bản này thì trước đó, 4 Cty sữa này đã ký cam kết VSATTP với Phòng GDĐT huyện là Cty thực phẩm Sa Co (sữa Net sure pedia, Net sure Nutri IQ, Net sure Grow IQ Plus), Cty TNHH VHCT (sữa Gabagrow), Cty CP 3 Sơn (sữa Vita Dairy Kinder), Cty TNHH Khánh Chương (sữa Ellac Grow)
“Họ (lãnh đạo Phòng GDĐT huyện - PV ) nói khi chọn các loại sữa này cần chú ý tới hợp khẩu vị, trẻ thích uống, đảm bảo dinh dưỡng nhưng con tôi từ nhỏ đến giờ chỉ uống sữa Vinamilk, giờ bắt buộc đổi loại sữa uống là không hợp lý vì cơ địa của mỗi trẻ nhỏ khác nhau, không thể cứ cào bằng hết như vậy được” – phụ huynh này bức xúc.
Một nam phụ huynh khác lại đặt câu hỏi: “Phòng GDĐT huyện chỉ định 4 Cty cung cấp sữa cụ thể để các trường mầm non trên địa bàn huyện lựa chọn. Nhưng trước khi chọn các Cty này, lãnh đạo Phòng GDĐT chưa một lần tham khảo ý kiến của chúng tôi là không khách quan, không dân chủ”.
Sáng 13.8, trao đổi với PV, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang – Trưởng Phòng GDĐT huyện Hòa Vang giải thích, trước đây, trên địa bàn huyện các trường mầm non sử dụng rất nhiều các loại sữa với các cách pha chế khác nhau nên khó quản lý.
Cũng theo bà Trang, vừa qua, Phòng GDĐT huyện cũng đã thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng trong tháng 5.2016 về việc trực tiếp làm việc với các đơn vị cung cấp thực phẩm cho các trường bán trú, yêu cầu các nhà trường ký cam kết về ATVSTP.
“Trong đợt hè này, có 4 Cty nộp các cam kết về chứng nhận VSATTP đến chúng tôi. Căn cứ trên 4 văn bản các Cty cam kết, chúng tôi đã có công văn gởi các trường trên địa bàn để chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, trong văn bản đó, thay vì được viết là 4 Cty sữa này đã gởi cam kết lại được viết “ký cam kết” nên khiến phụ huynh hiểu nhầm ?! “ – bà Trang cho hay.
Cũng theo bà Trang, trên thực tế, 4 Cty sữa này chỉ gởi bản cam kết về các chứng nhận VSATTP đến chứ Phòng GDĐT huyện không ký kết bất cứ điều gì với các Cty này.
“Chúng tôi chỉ giới thiệu 4 Cty sữa này đến các trường đã có cam kết về các chứng nhận VSATTP để các trường mầm non có thể lựa chọn chứ không ép buộc phụ huynh. Riêng về việc nội dung văn bản không chính xác, tôi đã kiến nghị UBND huyện Hòa Vang thay thế bằng một văn bản khác” – bà Trang cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GDĐT TP. Đà Nẵng cho rằng, việc ra văn bản của Phòng GDĐT huyện Hòa Vang như vậy là không đúng, gây tâm lý hiểu nhầm là lãnh đạo ngành đang độc quyền chỉ định loại sữa sử dụng trong trường.
“Việc chỉ định sử dụng 4 Cty sữa là vi phạm Luật Cạnh tranh, trong sáng ngày hôm nay (13.8 – PV), chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo Phòng thay ngày văn bản không chính xác đó” – ông Vĩnh cho hay.
Ngay đến lãnh đạo phòng giáo dục mà thiếu kiến thức về kinh tế thị trường như vậy hỏi sao giáo dục không trì trệ.Năm 2014 ông trưởng phòng giáo dục quận Cẩm lệ cũng có quyết định tương tự là bắt các trường bán trú phải mua thực phẩm của một công ty đã đút lót cho ông và các trường mầm non phải mua sữa ngoại cho học sinh uống (trong khi cả nước đang vận động người VN dùng hàng VN).
Trả lờiXóa