TTTG - “Tôi muốn làm lại với một dự án nhỏ, vừa sức với mình. Còn khối óc bàn tay, tôi sẽ cùng nông dân đi tiếp. Tôi nhất định phải nhìn thấy nông dân giàu lên, trước khi tôi không còn sức để làm việc cùng họ”, bà Ba Sương nói.
Cha Trần Ngọc Hoằng và con Trần Ngọc Sương đều là Anh hùng Lao động, tạo cơm no áo ấm cho hàng ngàn hộ dân nghèo.
Ở tuổi gần 70, nữ anh hùng Ba Sương bắt đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng sau những sóng gió cuộc đời do con người đưa lại…
Ngày 6/4, Công ty Cổ phần Nông trường Sông Hậu làm lễ động thổ Nhà máy đóng hộp rau, củ, quả Sông Hậu tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, theo tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Người hỗ trợ, tư vấn triển khai dự án không ai khác là bà Trần Ngọc Sương.
Các đối tác là Công ty USFI, Inc (liên doanh giữa Tập đoàn US Foods International – Hoa Kỳ và Tập đoàn Hyundai – Hàn Quốc) cam kết bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của trái cây, rau, củ, quả của Việt Nam. Các đối tác đến từ Hoa Kỳ cũng chính là đối tác của bà Ba Sương trước đây.
Nông dân miền Tây, nhiều người biết nữ Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Ba Sương (sinh năm 1949) cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được bình chọn là Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2002.
Cha của bà là ông Trần Ngọc Hoằng, người được xem là có công tổ chức khai hoang gần 7.000 ha đất ở vùng Hậu Giang – Cần Thơ.
Cả hai cha con lần lượt giữ chức giám đốc Nông trường sông Hậu, góp công lớn đưa Nông trường sông Hậu trở thành một trong những đơn vị kinh tế Nhà nước nổi bật ở thời kỳ đổi mới. Cha và con bà đều được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.
Bà Ba Sương là người vạch ra chiến lược để biến vùng đất hoang, ngập lụt thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lo được đời sống cho hàng chục ngàn nông dân tại đây.
Năm 2005, Thành ủy Cần Thơ ra chỉ đạo chuyển toàn bộ Nông trường sông Hậu sang đất công nghiệp, tác động trực tiếp tới đời sống của 3.000 nông dân nông trường nên bà Sương không đồng ý. Từ giữa năm 2006, Nông trường sông Hậu thường xuyên bị thanh tra.
Đến năm 2008, bà bị khởi tố về hành vi lập quỹ đen trái phép nhiều tỷ đồng và bị tuyên 8 năm tù cho tội danh này. Tuy nhiên, năm 2012, vụ án lập quỹ đen ở Nông trường sông Hậu bị đình chỉ điều tra.
Khi vụ án Nông trường sông Hậu bùng ra, với cáo trạng đanh thép, tội lỗi ngút trời, báo chí vào cuộc, dư luận cả nước mới biết “cha anh hùng, con anh hùng”, nhưng họ không có nhà riêng!
Bà Ba Sương, lãnh đạo một doanh nghiệp hùng mạnh, cho đến ngày ra tòa không có tài sản gì, gia đình riêng cũng không có.
Thậm chí, giải thưởng 10.000USD cho danh hiệu cao quý Người phụ nữ ấn tượng khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bà cũng đem trao hết cho Ủy ban bảo vệ bà mẹ trẻ em Cần Thơ.
Cái gọi là “quỹ đen”, thực ra là một quỹ do cha bà lập ra từ những ngày đầu thành lập nông trường, để lo cho đời sống nông dân được tốt hơn.
Vụ án bị đình chỉ, sức khỏe bà Ba Sương hao kiệt đi nhiều. Nhưng bà vẫn quyết tâm khởi nghiệp trở lại.
“Dự án nhà máy đóng hộp rau củ quả, tôi đã bàn với đối tác bên Mỹ từ năm 2005. Lúc đó tôi còn khỏe lắm, tôi đã lên kế hoạch đóng hộp rau quả nhiệt đới, xuất khẩu cho các đơn vị cung ứng nhu yếu phẩm cho quân đội Mỹ cũng như các khách sạn hạng sang, các tàu du lịch. Rồi tôi gặp nạn, kế hoạch gián đoạn.
Giờ thì tôi yên tâm khi tiến sĩ Nguyễn Tấn Anh khởi động lại dự án. Những đối tác của tôi ngày xưa, giờ cũng quay về đây cùng tôi làm lại từ đầu. Người trẻ bây giờ giỏi lắm, tôi chỉ làm cố vấn chứ không tham gia sâu sẽ làm vướng chân con cháu” – bà Ba Sương nói.
Cố vấn cho một dự án lớn, nhưng bà Ba Sương nói, bà vẫn còn nặng nợ nông dân. Bà vẫn đang tự mình “khởi nghiệp” ở một dự án khác.
Cách đây 2 năm, bà và một số cộng sự thân tín đã mua lại một công ty chuyên về nông nghiệp phá sản ở Long Mỹ, Hậu Giang. Bà đặt tên công ty là Công ty TNHH Ba Sương – Long Mỹ.
“Công ty mà tôi đang nắm trong tay là một công ty nhỏ. Thiếu vốn, tôi muốn vay thêm ngân hàng vài tỷ đồng để công ty có thể hoạt động sớm hơn nhưng lại không có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, vốn lớn nhất của tôi lúc này chính là những cộng sự, họ không vì tôi nghèo mà bỏ đi, mấy năm nay làm việc với tôi mà không có một đồng lương nào”, bà Sương nói.
Còn một thứ vốn vô hình, chính là những người nông dân lúc nào cũng tin tưởng bà Ba Sương.
“Tôi muốn làm lại với một dự án nhỏ, vừa sức với mình. Còn khối óc bàn tay, tôi sẽ cùng nông dân đi tiếp. Tôi nhất định phải nhìn thấy nông dân giàu lên, trước khi tôi không còn sức để làm việc cùng họ”, anh hùng Trần Ngọc Sương- lập nghiệp ở tuổi U70, đã nói như vậy.
Theo Dân Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét