Từ trước tới nay, trên truyền thông, áo dài vẫn luôn được tôn vinh là trang phục đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam. Áo dài dùng cho làm việc, đi chơi, đi lễ, đi hội họp… Thế nhưng dù phổ biến ở mọi môi trường là thế nhưng áo dài lại là thứ trang phục khó mặc, kén dáng hơn hầu như tất cả các loại trang phục khác.
Theo chuẩn thẩm mỹ ngày nay, áo dài phải ôm sát toàn bộ thân trên: eo, ngực, bụng để khoe đường cong. Do vậy hầu như áo dài chỉ đẹp khi được mặc lên người mẫu hoặc các thiếu nữ có dáng chuẩn. Ở độ tuổi trên 40, áo dài rất khó mặc đẹp do cơ thể người phụ nữ theo thời gian và sinh nở rất hiếm ai còn thon gọn nữa. Thậm chí ở tuổi 15 cũng có những em học sinh không thể mặc áo dài do các đặc điểm hình thể riêng biệt như lưng và vai to, người mập, bụng bự. Chiếc áo dài lúc này lại là thứ trang phục phản chủ nhất vì phô ra toàn bộ những đặc điểm nọ.
Rất để ý những đặc điểm này nên chiếc áo dài ngày xưa của phụ nữ thường hơi rộng vòng eo và bụng, cánh tay và ngực cũng không ôm sát, như chiếc áo của Nam Phương hoàng hậu, trông vẫn rất đẹp, rất sang trọng. Tuy nhiên, với thị hiếu quen nhìn thí sinh hoa hậu diện áo dài đi thi bây giờ thì kiểu áo đó không ai chọn, nó bị chê là “lùng thùng như áo bà già”.
Nhiều lần dự các hội nghị của nữ như hội phụ nữ, hiệp hội doanh nhân nữ, hoặc các bức ảnh liên quan trên báo, tôi thấy hầu hết các chị đều chọn áo dài, “cho trang trọng”. Nhưng tôi thấy không ít người đã chọn sai. Lý do như đã nêu trên.
Áo dài trên bục giảng một thời là đề tài bất tận cho thi sĩ nhạc sĩ Việt Nam, nhưng cũng lại là nỗi khổ của người trong cuộc. Trước kia, ngành giáo dục nhiều địa phương quy định áo dài là trang phục lên lớp của cô giáo (chỉ cấp 2, cấp 3). Ở độ tuổi này, học sinh đã cảm nhận cái đẹp, nên với cô giáo đứng suốt 45 phút trước mặt hàng chục cặp mắt, chúng “soi” rất kỹ. Những cô giáo có hình thể không chuẩn, vì thế tuy phải mặc áo dài nhưng rất không tự tin. Cũng không thể quay lưng lại thời trang nên khi bước lên bục cao (30cm, 40cm) nhiều cô đã bị giẫm vào chính tà áo dài rồi ngã. Trong lớp không có máy lạnh, cô giảng bài, viết bảng, đi lại trong lớp suốt 45 phút, những vị trí bó sát người như nách áo và bụng rất dễ ra mồ hôi gây loang lổ phản cảm. Cũng do vậy mà áo dài càng không phù hợp với những hoạt động ngoài trời.
Do vậy sau nhiều năm, một số địa phương đã cho phép cô giáo tuỳ điều kiện, hình thể và thời tiết mà mặc áo dài, váy, đồ tây… miễn là lịch sự.
Áo dài cũng dần vắng bóng ở các ngân hàng, thay vào sơmi váy ngắn, thêm áo vest vào mùa lạnh. Trang phục này dễ che khuyết điểm cho người mặc.
Với các quan chức là phụ nữ, các chị đã thường ở độ tuổi từ 40 trở lên, áo dài có lẽ không phải là thứ trang phục phù hợp nhất, mang lại vẻ đẹp nhiều nhất cho người mặc do những lý do đã nói ở trên. Trong trường hợp này, tôi nghĩ chiếc váy dài hoặc quần tây tuỳ dáng che được đặc điểm vòng eo hết thon phù hợp với các chị hơn cả. Lúc trời lạnh, chiếc áo khoác suôn nhẹ hoặc chiếc áo vest phá cách, thêm chiếc khăn choàng mềm mại cũng giúp giữ ấm hơn chiếc áo dài mỏng manh mà vẫn sang trọng và thuận tiện.
Áo dài vẫn luôn được coi là lễ phục của phụ nữ Việt Nam, nhưng tôi nghĩ không vì thế mà chúng ta không thừa nhận những điểm yếu thực tiễn của nó để chọn một loại trang phục phù hợp hơn cho từng đối tượng và độ tuổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét