Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Lê Uyên - Phương: Những góc khuất của một huyền thoại

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Người Đô Thị - Cuộc trò chuyện giữa tôi và ca sĩ về Lê Uyên về Phương và Đà Lạt bị gián đoạn do những buổi dượt trước show diễn Sol Vàng (giữa tháng 11.2014 tại nhà hát Hòa Bình - TP.HCM). Lê Uyên hứa sẽ liên lạc trở lại với tôi sau sự kiện. Và chị giữ lời.

Vẫn sảnh khách sạn Kingston, Thủ Khoa Huân, quận 1, Sài Gòn những ngày gắt gỏng nắng. Chúng tôi ngồi trước cái máy lạnh lớn đang phả ra thứ hơi lạnh nhân tạo, không biết là có đủ minh họa cho không khí núi đồi Đà Lạt năm xưa hay chăng, mà câu chuyện mỗi lúc một say sưa. Người đàn bà 62 tuổi chia sẻ những hồi ức, tình yêu và nhựa sống thời thanh xuân đã qua như loài chim hót về một mùa ái ân cũ trong cánh rừng xưa.

“Toàn bộ sự nghiệp của anh Phương chỉ chừng 60 ca khúc. Nhưng công chúng biết đến chủ yếu là những bản tình ca giai đoạn chúng tôi còn ở Đà Lạt và một vài sáng tác trong thời gian đầu về Sài Gòn (khoảng 1966-1972 - NV). Chừng 15 ca khúc trong hai tập nhạc đầu tay của anh ấy, Khi loài thú xa nhau (1970) và Yêu nhau khi còn thơ (1971) rất phổ biến trong công chúng. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của sự nghiệp nghệ thuật của NS. Lê Uyên Phương”, Lê Uyên bắt đầu câu chuyện.

Rõ ràng, với âm nhạc Lê Uyên Phương thì sự khởi đầu của một phong cách đã đủ mạnh để định hình ấn tượng thẩm mỹ cho toàn bộ sự nghiệp. Nói đến Lê Uyên Phương là nói đến chất lãng tử, say đắm, cuồng nhiệt của một tình yêu được sinh ra cho thế giới của núi đồi, cho không gian tự do, lãng tử và tinh thần dâng hiến trong tình yêu. Trong suy nghĩ của nhiều người, Lê Uyên Phương thuộc về tâm tính Đà Lạt, nên có lý khi họ chỉ nhớ về những ca khúc thời đầu, khi đôi tình nhân này sáng tác và trình diễn tại Đà Lạt hay ít ra, mang cái bay bổng của Đà Lạt về Sài Gòn (khoảng 1968-1974).

Những ấn tượng quá sâu đậm đó đã vô tình trở thành thứ hào quang lóa phủ lên cả một hành trình sáng tạo về sau của Lê Uyên Phương. Về khách quan, thì một phần, những cuộc dâu bể chính trị cũng đã trở thành kẻ đồng lõa đối với sự lãng quên đầy nghiệt ngã đó.

“Xin hãy kể về giai đoạn sau 1975, khi anh chị đã rời xa Đà Lạt?”, tôi hỏi.

“Đấy là thời kỳ quan trọng của anh Phương. Khi chúng tôi về Sài Gòn sống, đầu những năm 1970, anh ấy vẫn viết. Thời gian đầu sống tại Sài Gòn với Phương thật khó khăn. Anh ấy đi đi về về Đà Lạt để tìm nguồn cảm hứng. Anh ấy chật vật, tưởng chừng như không thể dứt được bầu sinh khí thiên nhiên, núi đồi quen thuộc bấy lâu. Nhưng về sau, khi thích ứng với Sài Gòn, sáng tác Lê Uyên Phương có một màu sắc khác. Sự kiện 1975 đã làm thay đổi khá lớn đời sống sinh hoạt văn nghệ và sáng tạo của chúng tôi. Điều đó thể hiện rõ trong tinh thần các ca khúc của anh ấy viết trong giai đoạn này: 1975-1979. Đó là loạt ca khúc nhìn về thân phận con người trong hoàn cảnh thời bấy giờ với đôi mắt âu lo và buồn bã, như một cuốn nhật ký nội tâm giàu suy tưởng có tựa là: Con người: một sinh vật nhân tạo…”.

“Dường như đây là giai đoạn sáng tác hoàn toàn chưa được nhắc đến trong sự nghiệp của Lê Uyên Phương, vì sao thế, điểm rơi chăng?”.

“Hoàn cảnh nào thì bên cạnh những cái hay cũng có sự bất toàn và vấn đề là con người không thoát khỏi những áp lực hay hệ lụy của khách quan. Từ cái tinh thần nhân bản đó, trong bối cảnh lịch sử đó, loạt 20 ca khúc này tôi đã ghi âm, nhưng nói như anh, cần là “chờ điểm rơi” thuận lợi để công bố, tránh không bị hiểu sai hay bóp méo. Theo tôi đây là những ca khúc đặc sắc, có cái nhìn sâu thẳm về các khía cạnh cuộc đời và hoàn cảnh”.

“Và sau đó, mạch sáng tạo bắt rễ từ hiện thực đời sống này hẳn còn kéo dài?”.

“Cũng với mạch suy tư về thân phận con người và cộng đồng trong lịch sử, tiếp sau 1979, anh Phương viết Biển, kẻ phán xét cuối cùng, là tập thơ - nhạc kể về những chuyến hải trình đầy sóng gió và mất mát mà nhiều người Việt đã trải qua. Ở hai giai đoạn sáng tác này, thiên nhiên êm đềm đã thực sự lùi xa, dành chỗ cho những gì khốc liệt nhất, con người trực diện nhất.

Cái tinh thần nhân bản, nhìn sâu vào thân phận con người trong những biến động thời cuộc đó cũng thể hiện trong các sáng tác văn chương của Lê Uyên Phương qua tập thơ Lục diệp tố (1977-1990) hay tập tùy bút, truyện ngắn Không có mây trên thành phố Los Angeles (1990)”.

Trong tập Không có mây trên thành phố Los Angeles được xuất bản tại Mỹ, tôi đặc biệt chú ý đến tùy bút đề tựa Âm nhạc ở thiên đường. Tùy bút có màu sắc hồi ức này kể trải nghiệm âm nhạc đầu đời đối với cậu bé Lê Văn Lộc: “Ít nhất là bốn lần - những lần tôi còn nhớ được - âm nhạc đã đến với tôi, đã xòe mười ngón tay kỳ diệu của nó vuốt ve trái tim tôi, để rồi từ đó tôi đã thả nổi cuộc đời của tôi theo những âm thanh trầm bổng, dài ngắn, to nhỏ của cuộc đời và đã vô tình bước vào một định mệnh đầy những bất ngờ như những nốt nhạc bật lên từ một xúc động cùng cực đến lạc điệu trong đời sống”. Đó là bốn lần mà nhạc cổ điển của Johann Strauss, của Mozart, của Mendelssohn, với Bach, với Schubert được phát ra từ những chiếc loa phóng thanh hội chợ, từ loa phóng thanh rạp Ngọc Hiệp, từ những cuộn băng cassette lấy cắp được trong nhà thờ hay những bản jazz được chơi bằng kèn đồng nóng bỏng, ngẫu hứng phát ra từ chiếc radio của nhà hàng xóm… Lê Uyên Phương viết: “Thời gian qua, đã trăm ngàn lần tôi được nghe mọi loại âm nhạc của loài người, từ một chiếc cassette rẻ tiền cho đến một giàn máy vô cùng đắt giá, tôi đã dự những buổi hòa nhạc với vài chục người cho đến những buổi hòa nhạc với hàng chục ngàn khán giả, tôi đã đi khắp nơi, đã nghe mọi loại nhạc trong mọi khung cảnh trên mặt đất này. Nhưng đôi môi nóng bỏng của âm nhạc đã hôn lên con tim tôi trong những ngày thơ ấu ở cái vùng đất kỳ diệu xa xôi đó, quả thật đã như những con dấu in đậm nét trên định mệnh tôi. Tôi biết rằng tôi đã thuộc vào một nơi nào đó rất chênh vênh giữa lý trí của con người, linh hồn của thượng đế và hơi thở của tình yêu”. 

Tất cả nhuốm hoài niệm về một thiên đường đã qua.

Ca sĩ Lê Uyên kể tiếp: “Những tháng ngày trên đất Mỹ, chúng tôi phải bắt đầu cuộc sống từ đầu như bao người. Anh Phương vẫn viết với nỗi hoài vọng về thành phố thiên đường của mình, dù chúng tôi vẫn phải sống, mở quán cà phê và đi hát chỗ nọ chỗ kia để tồn tại. Thời kỳ này anh có viết một tập nhạc có tựa Trái tim kẻ lạ, có thể xem là một giai đoạn mới của sáng tác, cảm hứng đến từ những xáo trộn trong đời sống ở một xứ sở xa lạ, con người và văn hóa xa lạ. Và rồi tai họa ập đến: năm 1985, tại chính quán cà phê của mình, tôi bị trúng đạn trong một vụ thanh toán đẫm máu của hai băng đảng xã hội đen. Tôi hôn mê suốt 19 ngày. Anh Phương đã ngồi bên giường bệnh với tâm trạng đau đớn day dứt như trong một ca khúc mà anh từng viết trước đó “Giờ này còn nhìn nhau/ Nhìn đắm đuối như suối bền/ Nhìn suốt kiếp như chết mòn/ Nhìn hấp hối thương đau/ Ngày mai ta không còn thấy nhau”. Khi viết và hát những ca từ đó, chúng tôi đâu ngờ chúng sẽ vận vào cuộc đời mình trong những biến cố đầy nặng nề.

Sau đó, tôi mất bốn năm dưỡng bệnh, không xuất hiện trên sân khấu. Những thông tin bên ngoài bắt đầu râm ran rằng chúng tôi chia tay. Nhưng với tính cách trầm lặng, anh Phương không giải thích với ai về chuyện này, hằng ngày vẫn lo lắng cho sức khỏe của tôi được bình phục và lo cho hai con gái một cách chu đáo. Chúng tôi mong chờ một ngày mọi người sẽ tự hiểu ra vấn đề”.

“Nhưng như chị nói, ngay cả có chuyện chia tay, nếu có, thì điều đó cũng đã được dự cảm trong các bản tình ca trước đây do Lê Uyên Phương viết ra?”, tôi nói.

“Nhưng vẫn chếnh choáng đau đớn - chị nói - như khi anh Phương qua đời, tôi không tin đó là sự thật. Suốt ba năm đầu tôi cứ bắt mình phải nghĩ rằng anh chỉ vác balô về Đà Lạt viết nhạc rồi anh sẽ quay lại. Và tôi cứ sống trong nỗi đợi chờ đó. Tôi đã chuẩn bị một liều thuốc ngủ cực mạnh để đi theo anh trong dịp 49 ngày của anh. Nhưng rồi, tôi lại nhớ rằng, những phút cuối, anh dặn dò rằng, “nếu anh có mệnh hệ nào thì em phải tiếp tục sống và hát để tình yêu chúng ta được lan tỏa khắp nơi, trong trái tim nhiều người để mọi người yêu nhau nhiều hơn”. Sau đó, bằng những nỗ lực riêng, tôi đã vượt qua buồn đau để sống, để một mình đứng trên sân khấu, hát những ca khúc của anh. Tôi đã mua một căn nhà ở Nam Cali với cảnh sắc và thiết kế, bài trí những góc riêng như không gian Đà Lạt. Hằng ngày tôi pha trà, ngồi trước bức tượng của anh, đối thoại với anh trong tĩnh lặng. Tôi cũng dành thời gian để chăm chút cho các bản thu âm và đưa những sáng tác của anh đến với nhiều người”, chị chia sẻ.

“Sự trở về có ý nghĩa ra sao với chị?”

“Tôi đã bày tỏ với báo chí về ý định đưa anh Phương về Đà Lạt nằm. Sau khi báo đăng, có vị lãnh đạo ở Đà Lạt đã mua vé đi xem show Sol Vàng Dạ khúc cho tình nhân và gặp riêng tôi, ngỏ ý muốn giúp tôi thực hiện ý định trên. Tôi cũng thấy vui, vì sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ lại được trở về với Đà Lạt của mình. Một điều vui khác, trong chuyến trở về này, tôi nhận thấy những khán giả mới, rất trẻ, họ còn thiết tha lắng nghe câu chuyện tình yêu của chúng tôi qua những tình ca bất chấp cách biệt thế hệ và hoàn cảnh sống”, ca sĩ Lê Uyên nói.

Sau buổi trò chuyện, chị tỏ bày mong muốn có dịp được đi lưu diễn quanh các trường đại học để làm sao đem những bản tình ca nồng nàn của Lê Uyên Phương đến với đông đảo sinh viên.

“Tôi muốn đưa thông điệp tình yêu đến với nhiều bạn trẻ. Vì có tình yêu thì con người sẽ sống tốt với nhau, họ sẽ vượt qua đời sống hữu hạn để được bất tử”, người đàn bà 62 tuổi nói với giọng đầy xác tín và sôi nổi sau những cuộc bể dâu, thăng trầm cuộc đời.
***


Năm 16 tuổi, Lâm Phúc Anh (gốc Hà Nội, nhà ở Chợ Lớn, Sài Gòn) lên Đà Lạt học ở trường dòng Franciscaines và gặp Lê Văn Lộc, tức NS. Lê Uyên Phương. Vượt qua nhiều trắc trở, họ đến với nhau, thành vợ chồng (1968) và là đôi tình nhân tỏa sáng trong đời sống âm nhạc trong thập niên 1960, đầu 1970 với những bản tình ca, du ca đầy say đắm, nồng nàn, đậm chất hiện sinh.

Hát nhạc do chồng sáng tác, Lâm Phúc Anh lấy một nửa bút danh của chồng làm nghệ danh của mình.

Sau năm 1975, vợ chồng Lê Uyên - Phương rời Đà Lạt về Sài Gòn và 1979 thì họ rời Việt Nam sang Mỹ định cư. Phương qua đời năm 1999 tại Mỹ, vì ung thư phổi. Lê Uyên hiện sống một mình tại Garden Grove, Nam California (Hoa Kỳ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét