Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Mẹ tôi không biết chữ

FB Hoàng Hải Vân

Mẹ tôi không biết chữ. Đó là lý do đầu tiên khiến tôi thích Lục tổ thiền tông Huệ Năng, vì Lục tổ cũng không biết chữ. Nhưng mẹ tôi hơn ngài Huệ Năng một chút, là bà viết được một chữ, một chữ duy nhất trong đời bà, đó là cái tên của tôi.

Hôm đó gọi tôi lại, mẹ ngồi xuống, cầm một cục than bặm môi rê ngược một đường chéo lên phía tay phải thành một vệt dài như cây sào trên nền nhà, rồi vẽ thêm một cái liềm ngắn bằng một phần ba, treo úp vào đầu ngọn sào, đó là chữ S (viết thường). Sau khi dùng hết sức bình sinh vẽ được chữ S, bà chu miệng rê cục than vẽ tiếp các chữ còn lại, thành tên tôi. Tôi không biết mẹ học mấy mẫu tự đó từ bao giờ, có lẽ mẹ nhờ chị tôi chỉ. Trong lòng tôi cho đến bây giờ, cái chữ mẹ tôi viết bằng than dưới nền nhà đó còn đẹp hơn bất cứ kiệt tác thư họa nào.

Mẹ tôi làm nghề chằm nón lá. Nghe các cô các chú đến chơi bảo nón mẹ tôi chằm đẹp nhất trong vùng. Ai đặt mẹ tôi mới làm, một ngày chằm được một chiếc. Mẹ không dùng sợi cước mà dùng sợi đoác để chằm nón, đánh bóng thì dùng dầu rái trong chứ không dùng các thứ dầu khác. Những lỗ kim chằm đều nhau tăm tắp, tôi chưa bao giờ thấy nón mẹ tôi chằm có lỗi một lỗ kim nào. Đó là những chiếc nón lá hoàn hảo tôi chưa bao giờ nhìn thấy nơi nào có. Sau này mỗi khi cầm một chiếc nón lá tôi đều nhìn vào lỗ kim, hễ thấy lỗi là tôi coi khinh và nghĩ đến mẹ.

Rồi chiến tranh. Không còn nhiều người đặt những chiếc nón lá hoàn hảo ấy nữa. Mẹ tôi lên khu kỹ nghệ An Hòa – Nông Sơn làm công nhân. Chiến tranh tăng tốc, khu kỹ nghệ ấy ngừng hoạt động. Mẹ tôi đi buôn chuyến, từ Phú Đa quận Đức Dục (Duy Xuyên) gánh những thứ ở miền xuôi băng qua Phường Rạnh xuống đò ngược lên Trung Phước, Khánh Bình, rồi mang những thứ từ miền ngược đem về xuôi bán. Lặn lội như vậy được mấy năm thì mẹ mất.

Lên 8 tuổi mẹ tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với ông chú ruột đến năm 16 tuổi thì lấy chồng. 21 tuổi đẻ chị tôi, 26 tuổi đẻ ra tôi thì cha tôi đi mất. Mẹ đi tìm gặp cha ở Sài Gòn về đẻ thêm em tôi, được một tuổi rưỡi thì em tôi mất, cha tôi vẫn không về. Suốt 3 năm ngày nào mẹ cũng khóc, bữa ăn nào cũng có thêm một chén cho em tôi.

Mơ ước tột đỉnh của mẹ là tôi học hết lớp 9, mẹ sợ tôi dốt người đời ăn hiếp, mà nghèo quá làm sao mơ được xa hơn. Nhưng mơ ước của mẹ không giống mơ ước của tôi. Hồi nhỏ tôi mơ làm một thằng chăn trâu, hiên ngang như anh chăn trâu nhà ông ngoại (là chú của mẹ). Thấy mẹ cực, tôi mơ ước làm một anh kéo xe bò để kiếm tiền giúp mẹ. Món tiền đầu tiên tôi làm được đem về cho mẹ sau khi học xong tiểu học là đẩy phụ xe bò cho một anh lớn tuổi chở cát thuê, mẹ ôm tôi mà nước mắt mẹ chảy ròng. Thỉnh thoảng được ăn kẹo kéo, nhìn ông kẹo kéo oai phong giật chiếc kẹo nghe cái rụp, tôi mơ làm ông kẹo kéo. Nghe ông nội kể nhiều ông bán chiếu hay ông hàn nồi gặp chuyện bất bình ra tay trượng nghĩa mới biết những ông đó võ nghệ cao cường, lại mơ làm nghề bán chiếu hay hàn nồi.

Học xong tiểu học tôi phải nghỉ học, vì không có trường gần để học tiếp. Đi học xa thì nhà nghèo không đủ tiền. Thỉnh thoảng đi đẩy xe bò. Có khi đi với đám người làm lao công cho trại lính Mỹ, buổi sáng xe Mỹ đến chọn một số người đưa vào đồn có việc gì làm việc nấy, tôi nhỏ quá nên lâu lâu mới được chọn, vào đó cầm bao đi nhặt tàn thuốc lá, chiều họ trả tiền rồi đưa lên xe ra cổng về nhà, mang tiền đưa cho mẹ. Đi làm cho Mỹ được mấy lần, mẹ thấy tội, mẹ cấm không cho đi nữa.

Một chú cùng làm công nhân với mẹ hồi trước ở khu kỹ nghệ có ông anh làm nghề rèn ở Đà Nẵng, mẹ gửi tôi theo chú ấy xuống đó học thợ rèn, học “thí công”, nghĩa là “học” bằng cách làm cho người ta để được ăn cơm và ở lại không tốn tiền. Công việc của tôi hàng ngày là đục những ống đạn để làm bếp dầu. Thấy nghề đục ống đạn đó chẳng cần phải học, tôi trốn về. Mẹ ôm tôi khóc, nói nếu biết cực như rứa mẹ chẳng cho con đi. Lại đi học nghề sửa radio, nói là học nghề nhưng suốt ngày đi đun mỏ hàn vào bếp than, hễ gọi là mang mỏ hàn lên cho ông chủ vừa hàn vừa đập vừa thổi, lại chẳng được ăn cơm ăn cháo gì. “Học’ được mấy tháng thấy cái nghề xách mỏ hàn vừa không cần học vừa chẳng để làm gì, tôi cáo từ đi theo ông bác họ học nghề sửa máy nổ, việc cụ thể là bác sai đâu làm đó. Được một năm thì quận Đức Dục mở trường trung học, tôi vào học lớp 6, học hết lớp 7 thì mẹ mất.

Vì thương mẹ nên tôi học giỏi, tháng nào cũng xếp nhất lớp. Hết lớp 7 tôi là học sinh xuất sắc nhất được phần thưởng danh dự toàn trường, ngày phát thưởng chính là ngày tôi đưa tang mẹ.

Hồi nhỏ không phải ngày nào ăn cũng đủ no. Một bữa cơm ba mẹ con một con cá nục dẻ làm ba khúc, mẹ gắp cái đầu, chị gắp cái đuôi, khúc giữa dành cho cái thằng vô tích sự nhất nhà là tôi. Nhiều khi mẹ lỡ nhai một miếng thịt mà thấy con nhìn cũng nhả ra cho con ăn. Cái quần “tây” đầu tiên tôi mặc là cái quần may bằng bao đựng đạn của Mỹ còn dày đặc dấu chỉ may, cái quần đó mặc suốt một năm đi “học nghề”. Lên lớp 6 mẹ dành dụm hụt hơi mới may cho cái quần tây xanh và chiếc áo trắng, chỉ một bộ mặc đi học suốt 2 năm. Khổ cực nhưng chưa bao giờ mơ một cuộc sống khác. Trước khi mất, mẹ nói mẹ mất rồi không biết con sẽ sống ra sao. Nhưng chị đã thay mẹ nuôi tôi cho đến khi tôi tự nuôi được mình.

Tôi tự đặt hạn mức mình chỉ sống không quá 42 tuổi, vì mẹ tôi chỉ sống tới tuổi này thôi. Tôi vẫn nghĩ sống nhiều hơn tuổi của mẹ là một thằng bất hiếu. Nhưng đến tuổi đó, không phải sợ chết, mà nghĩ nếu tự hủy thân mình đi thì càng bất hiếu hơn, và nếu để cho con cái noi gương thì không những bất hiếu mà còn bất nhân nữa. Cho nên phải tiếp tục sống như một thằng bất hiếu. Để chuộc bớt tội bất hiếu thì phải tự trọng, phải sống cho ngay thật, ngay thật cả với chính mình.

Cho đến giờ tôi cũng chỉ có một ước ao, là được về kéo xe bò nuôi mẹ, được ăn những bữa cơm ba mẹ con một con cá nục dẻ làm ba, mình gắp khúc đầu, chị gắp khúc đuôi, dành cho mẹ khúc giữa. Ước ao ngược đó làm sao mà với tới, nhưng suốt đời không khép lại được, mà nén lại trong chiêm bao, mấy chục năm rồi thỉnh thoảng nửa đêm tỉnh dậy trào nước mắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét