LĐO - Cử nhân đi làm massage đang phản ánh điều gì? Tình trạng thất nghiệp? Thực tế làm trái ngành nghề đào tạo? Vấn đề đầu vào, đầu ra của ngành giáo dục? Sức khỏe nền kinh tế? Hay tất cả những vấn đề đó cộng lại?
“Có em tốt nghiệp trường cao đẳng ra không tìm được việc làm phù hợp phải đi phục vụ ở quán cà phê hay có cử nhân đại học làm ở quán massage. Đây là thực tế có thật khi nhiều em không tìm được việc làm theo ngành nghề được đào tạo”- Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An Nguyễn Bằng Toàn vừa thở than trong phiên chất vấn tại HĐND tỉnh này.
Đây rõ ràng là thực tế không phải chỉ ở Nghệ An. Và bồi cà phê hay nhân viên massage không phải là những công việc “chân tay to” duy nhất mà những “ông cử”, “bà cử” đang phải làm sau mấy năm ăn học. Phải nói ngay, họ không có lỗi gì, bởi nếu không thể bằng khối óc, thì bằng chính bàn tay, họ đang kiếm tiền một cách lương thiện nhất. Huống hồ, đã là lao động thì rửa bát, bê phở, bán cà phê hay đấm lưng cũng đều chỉ là những cách kiếm tiền.
Nhưng sự nhẫn nại của những người có học trẻ tuổi lại đang đặt ra bao nhiêu vấn đề, mà lại là những vấn đề đã quá cũ, nhưng không có cách gì giải quyết nổi. Đó là sự lạc hậu giữa đào tạo và nhu cầu thị trường. Đó là tình trạng thất nghiệp. Đó là sức khỏe nền kinh tế và khả năng tạo việc làm.
Hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ không tìm nổi việc làm theo chuyên môn đào tạo mỗi năm là một sự lãng phí quá lớn, cả về nguồn nhân lực, cả về kinh phí mà mỗi gia đình phải bỏ ra, và cả sự mai một khi chuyên môn, nghiệp vụ dần bị quên lãng theo thời gian.
Hôm qua, có một con số nhỏ khác cũng đã được đề cập. Đó là 12.000 lao động được đưa đi xuất khẩu lao động mỗi năm. So với 75.000 lao động được giải quyết việc làm ở Nghệ An - nhấn mạnh là trong 2 năm, thì tỉ lệ việc làm có được nhờ “đi nước ngoài” là không hề nhỏ.
Vậy là vấn đề giải quyết việc làm đang có vấn đề ở cả 3 khía cạnh: Tỉ lệ giải quyết việc làm là nhỏ so với số lao động, tỉ lệ lao động làm không đúng ngành nghề đào tạo, và việc bố trí việc làm nhờ vào... người ngoài.
Xuất khẩu lao động đương nhiên cũng là lao động kiếm tiền. Nó chỉ “chết nỗi” cũng được tính như là thành tích tạo việc làm.
Liệu xuất khẩu “cơ bắp và mồ hôi” có lâu bền, có căn cơ khi mà cuộc cách mạng 4.0 đã tới rất gần?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét