Cafef - Với những sai phạm nghiêm trọng, sau mức cảnh cáo về phương diện tổ chức Đảng, ở phương diện tổ chức chính quyền, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa có thể sẽ nhận hình thức kỷ tiếp theo đó là cách chức.
“Cần làm rõ nguồn gốc tài sản do đâu mà có”
Mới đây, tại kỳ họp thứ 15, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đã chỉ ra một loạt những vi phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004 - 5/2010).
UBKTTƯ cũng xác định, bà Thoa mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của điều lệ công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, ông đồng tình với kết luận của UBKTTƯ.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng: “Cần phải xem lại nguồn gốc tài sản của bà Thoa ở đâu mà lại nhiều thế? Số tài sản này có minh bạch hay không? Vừa qua, Bộ Chính trị đã có quyết định sẽ kiểm soát, xem xét tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý. Vậy bà Hồ Thị Kim Thoa là thuộc diện Ban Bí thư quản lý, nhưng tài sản của bà ấy lớn như vậy thì cũng nên xem xét và xem lại nguồn gốc số tài sản này ở đâu mà có và cụ thể như thế nào.
Thứ hai, trong quá trình công tác tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, bà Thoa mua nhiều cổ phần như vậy có đúng luật pháp hay không, có dấu hiệu lạm dụng hay không, đã báo cáo đầy đủ hay chưa? Bà Thoa không chỉ mua cổ phiếu của công ty cho bản thân bà ấy mà còn mua cho cả gia đình bà ấy nữa. Cần làm rõ nguồn gốc tài sản hiện nay do đâu mà có?
Việc này có giống việc lạm dụng hay không? Liệu có khả năng cổ phiếu của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang quá kém và nếu gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa không mua thì cổ phiếu ấy coi như chết?”.
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã làm ăn rất tốt và hiện nay một người họ hàng của bà Thoa đang làm Tổng giám đốc của công ty này. Như vậy ở câu chuyện của bà Thoa là có vấn đề, và cần phải được làm rõ, đây là điểm cần được bổ sung thêm.
“Sau khi xem xét kỷ luật Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, dựa trên cơ sở kỷ luật Đảng sẽ xem xét kỷ luật về mặt chính quyền. Nếu kỷ luật Đảng mà nặng, phải cảnh cáo, thì có lẽ phải xem xét mức kỷ luật nào đấy đối với chức vụ hiện tại của bà Hồ Thị Kim Thoa. Cụ thể ở đây bà Thoa có thể phải chịu hình thức kỷ luật là cách chức”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.
Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, kiên quyết làm nghiêm
Trả lời chúng tôi, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho biết, cơ quan này đã nắm được thông tin vụ việc về đề nghị kỷ luật Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và hiện đã vào cuộc để làm rõ.
Về kết luận của UBKTTƯ đối với những vi phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa trong mua cổ phần, kê khai tài sản, thu nhập…, ông Phạm Trọng Đạt cho biết Thanh tra Chính phủ sẽ cử người sang phối hợp với UBKTTƯ để làm rõ những việc kết luận đã nêu.
“Việc kê khai tài sản cán bộ công chức của ta hiện vẫn theo nguyên tắc tự giác và tự chịu trách nhiệm nên việc khai báo không chính xác vẫn xảy ra. Thực tế rất đáng buồn hiện nay là nhiều đảng viên trong các trường hợp kê khai tài sản nhưng không trung thực”, ông Đạt nói.
Theo ông Phạm Trọng Đạt, để xảy ra tình trạng trên một phần cũng là do trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đã lơ là, buông lỏng quản lý.
“Phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, cấp uỷ của cơ quan Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện, đôn đốc. Cụ thể, nếu việc giám sát kê khai không được tốt trong thời gian dài, kê khai không đủ thì đó là trách nhiệm của bản thân người kê khai và người đứng đầu cũng phải có trách nhiệm”, ông Đạt nhận xét.
Đối với trường hợp của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, ông Đạt cho rằng mức kỷ luật như thế nào còn phụ thuộc vào kết luận sau khi thanh tra, song mức kỷ luật cao nhất là cách chức.
“Việc kỷ luật cán bộ mắc sai phạm là việc cần phải làm. Cán bộ không trong sạch thì phải kiểm điểm, phải phê bình, cao hơn là bằng các hình thức kỷ luật phù hợp. Kỷ luật về mặt Đảng có thể là cảnh cáo, cao nhất là khai trừ. Còn ở mặt tổ chức chính quyền thì có thể bị cách chức, thậm chí bị khởi tố”, ông Đạt cho biết thêm.
Về giải pháp khắc phục, ông Đạt cho rằng cần chấn chỉnh, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giám sát, kiểm tra, thanh tra. Có giám sát mới phát hiện, phát hiện mới xử lý được. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định của Đảng.
Chống tham nhũng sẽ không có “vùng cấm”
Nhận xét về kết luận của UBKTTƯ, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, UBKTTƯ đã nêu cụ thể những vi phạm về những điều đảng viên không được làm, và kết luận của UBKTTƯ là hoàn toàn có cơ sở.
“Những ý kiến khác cho rằng, bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp Nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng… như vậy là rất nghiêm trọng rồi”, ông Hương nói.
Theo ông Hương, UBKTTƯ đã đề nghị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng thì về mặt tổ chức chính quyền cũng cần có những hình thức kỷ luật tương xứng. Việc kỷ luật cán bộ mắc sai phạm là việc cần phải làm, không trong sạch cũng phải kiểm điểm, phê bình bằng hình thức kỷ luật phù hợp, đúng với vi phạm.
Ông Hương cho rằng trường hợp sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa mà UBKTTƯ kết luận cũng tương tự như "hình thức kỷ luật ông Võ Kim Cự".
"Quay trở lại việc ông Võ Kim Cự, trước tiên cũng là do UBKTTƯ tiến hành kiểm tra, phát hiện sai phạm và sau đó kết luận rồi đề nghị mức kỷ luật. Sau khi kỷ luật ở mặt Đảng, thì về mặt tổ chức chính quyền, ông Cự cũng bị kỷ luật sau đó, nghĩa là tước mọi chức vụ, vị trí hiện đang nắm giữ. Làm như thế là đúng quy trình thôi, bao giờ cũng xử lý ở mặt Đảng trước, rồi mặt tổ chức chính quyền sau", ông Hương nói.
Ông Hương cho rằng, qua sự việc này, cần có cơ chế giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền để xem tài sản của người kê khai do đâu mà có, chứ không phải yêu cầu kê khai tài sản rồi để đấy.
Ông Hương kiến nghị: “Theo tôi cần phải quy định cụ thể cơ chế giám sát việc kê khai tài sản và đối tượng nào phải công khai bản kê khai tài sản trong Luật phòng, chống tham nhũng hiện đang được nghiên cứu sửa đổi.
Trước khi giữ cương vị cao hoặc người giữ chức vụ lãnh đạo phải công khai tài sản qua phương tiện thông tin đại chúng của bộ, ngành về kê khai tài sản của mình để mọi người biết tài sản của anh có những gì. Có vậy thì mới tăng được cơ chế giám sát, hạn chế những vụ việc như trên xảy ra trong tương lai”.
Theo ông Nguyễn Đình Hương, qua một số vụ việc kiểm tra và kỷ luật hàng loạt cán bộ cao cấp mắc sai phạm vừa qua cho thấy, Đảng đang quyết tâm loại bỏ những cán bộ tha hóa, vi phạm kỷ luật ra khỏi bộ máy để lấy lại niềm tin trong nhân dân. Điều này cũng cho thấy trong công cuộc phòng, chống tham nhũng và xây dựng chỉnh đốn Đảng của ta hiện nay sẽ không có “vùng cấm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét