(TBKTSG Online) - Hai ngày sau khi bị Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phế truất, ngày 12-3, bà Park Geun-hye rời Phủ tổng thống về nhà riêng và chuẩn bị đối mặt khả năng bị truy tố. Hàn Quốc đứng trước bước ngoặt lớn với cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 9-5.
Yonhap cho biết ngày 12-3, cựu phát ngôn viên Tổng thống Min Kyung-wook đã thay mặt bà Park đọc lời xin lỗi vì không hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống, theo dự kiến kéo dài 5 năm đến tháng 2-2018. Trong bản tuyên bố ngắn gọn, bà Park nhấn mạnh: “Tôi xin lỗi vì không thể hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống. Tôi cũng gửi lời cảm ơn đến những người đã ủng hộ và tôi sẽ chịu trách nhiệm mọi hậu quả. Tuy nhiên, tôi cho rằng mặc dù sẽ mất thời gian, song sự thực sẽ được phơi bày”.
Trước đó vào ngày 10-3, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết ủng hộ kiến nghị của Quốc hội về việc luận tội bà Park, do liên quan đến vụ bê bối tham nhũng gây chấn động nước này. Phán quyết của tòa án cũng bãi bỏ quyền miễn trừ truy tố hình sự của Tổng thống Park, đồng nghĩa bà Park có thể đối mặt một số tội danh hình sự gồm hối lộ, tống tiền và lạm quyền liên quan cáo buộc thông đồng với người bạn thân Choi Soon-sil.
Cuối tuần qua, hàng ngàn người phản đối bà Park đã xuống đường ăn mừng và yêu cầu bắt giữ bà. Những người ủng hộ bà cũng xuống đường cách đó không xa nhưng số lượng ít hơn. Cảnh sát đã được triển khai để bảo vệ an ninh.
Tìm người thay thế
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm tiếp theo trên chính trường Hàn Quốc chính là người sẽ thay thế chiếc ghế của bà Park.
Theo khảo sát đưa ra tối ngày 12-3 của Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Moon Jae-in vẫn đứng đầu danh sách ứng viên tổng thống được yêu thích nhất, không thay đổi so với cuộc khảo sát vào tháng trước. Vị trí thứ 2 cũng thuộc về một thành viên của đảng Dân chủ, thống đốc tỉnh Nam Chungcheong, ông Ahn Hee-jung.
Tổng thống Hàn Quốc tiếp theo sẽ phải đưa ra những quyết định lớn liên quan đến chính sách với Triều Tiên, cũng như kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc - đang vấp phải sự chỉ trích của Trung Quốc.
Theo phân tích của Reuters, ông Moon Jae-in được cho là người có quan điểm “mềm dẻo hơn” với Triều Tiên, khi lên tiếng chỉ trích 2 tổng thống trước đây đã làm chệch các bước tiến đạt được trong mối quan hệ liên Triều, đồng thời kêu gọi cách tiếp cận “hai bước” với Triều Tiên - đối thoại sẽ dẫn đến sự thống nhất kinh tế, sau đó là quân sự và chính trị.
Tuy nhiên, lập trường trên của ông Moon Jae-in có thể vấp phải sự phản đối từ đồng minh lớn của Hàn Quốc là Mỹ, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét chiến lược để đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-5 sẽ mang tính định hướng cho cả chính sách đối nội và đối ngoại của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
Kêu gọi sửa hiến pháp
Nhiều chính trị gia, trong đó có cả những người bảo thủ, cho rằng người dân Hàn Quốc nên đi bỏ phiếu về việc soạn thảo một bản hiến pháp mới để không có thêm một tổng thống như bà Park, chứ không chỉ bầu tổng thống mới.
Những người này cho rằng việc bà Park bị phế truất cho thấy hiến pháp đặt quá nhiều quyền lực vào tay tổng thống nên dễ bị lạm quyền và khó bị giám sát. Đề xuất của họ về bản hiến pháp mới dựa trên nguyên tắc chia sẻ quyền lực, theo đó tổng thống chủ yếu xử lý các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia, còn thủ tướng do quốc hội bầu ra sẽ xử lý các vấn đề trong nước.
Tương lai sửa đổi hiến pháp trở thành chủ đề chính trị lớn sau khi Tòa án Hiến pháp phế truất bà Park.
Việc thay đổi hiến pháp cần 2/3 trong số 300 nghị sĩ ủng hộ và sau đó phải trải qua một cuộc trưng cầu ý dân. Ứng viên tổng thống Moon Jae-in nói ông sẵn sàng thảo luận về việc sửa đổi hiến pháp nhưng phản đối thực hiện điều này đồng thời với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Ông Moon cho rằng 2 tháng là quá ngắn để viết lại hiến pháp vì văn kiện này không chỉ đề ra những nguyên tắc cơ bản về quyền lực và quản trị mà còn xác định các quyền cơ bản của công dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét