Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Kết nối nhưng cần tỉnh táo

P.Đ. NGUYÊN CHƯƠNG

(PL)- Theo một cuộc thăm dò bỏ túi của một tờ báo, hơn 50% các bạn trẻ được hỏi cho biết trung bình họ “sống trên mạng” mỗi ngày ba, bốn giờ chỉ vì thói quen… Có thể nói họ nghiện Facebook.

Điều này có thể giải thích sự thành công nhanh chóng của tỉ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg vì đã đáp ứng đúng nhu cầu của một nửa nhân loại!

Facebook là mạng xã hội có tốc độ phát triển nhanh nhất và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay. Thế nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Không ít người lợi dụng tính năng vượt trội của mạng xã hội để làm những việc xấu. Nhiều người vướng vòng lao lý vì chế giễu, trêu chọc, nói xấu thậm chí vu khống người khác.

Kết nối thế giới và sự lợi hại của mạng xã hội

Gần đây có án mạng xảy ra tại một công ty chỉ vì trò trêu chọc. Một nhân viên chụp ảnh một anh bảo vệ ngủ gục đưa lên Facebook với lời đùa “bảo vệ gương mẫu” - đại loại như vậy. Người bị trêu chọc tức giận thủ dao đâm chết anh bạn đồng sự. Người chết, người vào tù lãng xẹt. Hoặc một tin khá sốc trên mạng: Ngày 2-12 vừa qua, công an đã lần ra manh mối ba người chiếm dụng trái phép tài khoản Facebook Timuz Zhunusov, thay đổi ảnh đại diện bằng hình ảnh một thanh niên IS và đăng nội dung kích động đe dọa tấn công khủng bố bằng tiếng Ả Rập (sử dụng Google translate để dịch từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập). Cơ quan công an khá bất ngờ khi đó là ba học sinh THCS ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk và huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Các em chỉ mới 13, 14 tuổi mà kết nối, dám mạo nhận thành viên tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để đe dọa kích động khủng bố! Vì xét thấy các em còn nhỏ nên cơ quan công an chỉ nhắc nhở rồi giao cho gia đình và nhà trường quan tâm giáo dục.

Tuy nhiên, cũng nhờ mạng xã hội mà nhiều vụ việc bất minh được đưa ra ánh sáng. Điển hình như vụ chị Hoàng Anh tố cáo bị một thượng úy CSGT tỉnh Đồng Nai với sự tiếp tay của một “nhân viên tiếp thị sữa” hành hung chị, khi chị cự cãi về việc vi phạm luật giao thông tại trạm CSGT ở ngã ba Thái Lan, Long Thành, Đồng Nai bằng một clip do người bạn đi chung với chị quay đưa lên Facebook. Công an tỉnh Đồng Nai sau đó đã kỷ luật thượng úy CSGT, hai người đã xin lỗi chị Hoàng Anh và bồi thường thuốc men cho chị.

Nghiện mạng xã hội nhưng cần tỉnh táo

Qua sự việc trên mới thấy tầm ảnh hưởng và tác động khủng khiếp của mạng xã hội với giới trẻ bây giờ. Hãy đến bất cứ quán cà phê, quán nước nào, ở đó ta sẽ thấy những người trẻ mỗi người ôm “một thế giới của riêng mình”. Họ cắm đầu chúi mũi vào chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh, không còn biết chung quanh mình có ai. Kể cả khi họ mời mọc rủ rê nhau đi uống cà phê nhưng đến quán hầu như họ chẳng nói gì mà mỗi người một ly cà phê và một thế giới ảo của riêng họ.

Nhân đây xin mở ngoặc nói đôi điều về nhà sáng lập mạng xã hội Facebook. Năm 12 tuổi, Mark Zuckerberg đã tự viết phần mềm kết nối trong gia đình gọi là ZuckNet. Năm 19 tuổi khi đang học năm thứ 2 tại ĐH Harvard, Mark lập trang Facemash kết nối dữ liệu ký túc xá sinh viên ĐH Harvard, sau đó lan nhanh sang các ĐH nổi tiếng khác. Mark bị kỷ luật vì chuyện này. Năm 2004, Mark rời ĐH Harvard đến thung lũng Silicon tìm cơ hội phát triển tài năng, rồi cùng vài người bạn góp vốn thành lập mạng thefacebook - tiền thân của Facebook. Mặc dù thành công tuyệt đỉnh, là một trong 20 người giàu nhất thế giới khi mới 30 tuổi nhưng Mark sống rất giản dị, nhân văn.

Thành công như Mark đã là chuyện hiếm trên thế giới nhưng cái còn quý hiếm hơn nữa là dám cho đi đến “99% tài sản trong suốt cuộc đời” để làm từ thiện với mục tiêu cao cả là cải thiện giáo dục, y tế cho trẻ em thế hệ sau - như tinh thần “Give Pledge - Cam kết cho đi” do tỉ phú Bill Gates đề xướng, khuyến khích các tỉ phú đóng góp tài sản vào quỹ từ thiện.

Chạnh lòng nghĩ đến nhiều “đại gia” người Việt, nhất là các thiếu gia, thường chỉ biết ném tiền qua cửa sổ, chơi ngông, sưu tập xe sang, điện thoại xịn và… sưu tập chân dài. Ít khi nghe thấy họ làm từ thiện hay chí ít bỏ tiền túi ra làm chuyện ích quốc lợi dân. Buồn thay!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét