TGTT - Không một mảnh vải hay tấm ny-long để có một góc riêng, nên không ai biết suốt những đêm dài của đời người ở trọ những cặp vợ chồng ân ái ra sao.
Ở một xóm lao động thuộc quận 8, cái xóm mà từ lúc chạy xe gắn máy vào không ai có thể hình dung cách nào để nhanh chóng quay đầu xe chạy ra lúc gặp chuyện khẩn cấp. Chính sự chật chội đó nên chuyện ân ái vợ chồng của đời ở trọ vài thước vuông luôn là ẩn số.
Lúc nào ở xóm này, dù trời mưa hay nắng khách lạ đều có thể nhìn ngắm đàn ông ở trần, quần tà lỏn, đàn bà áo ba lổ, quần cụt đang ngồi đứng lố nhố để hưởng chút gió trời.
Hai vợ chồng ở 8m2, ân ái lúc nào?
Gia đình chị D, gồm năm người, quê ở Đồng Tháp, căn phòng họ thuê 8 thước vuông, giá gọi là bèo bọt, một triệu rưỡi một tháng. Bà chủ nhà trọ ở trên căn gác gỗ, toàn bộ diện tích nhà trệt bà chia ra làm 4 căn phòng, mỗi phòng diện tích như nhau, vách ván ép, sàn gạch bông, cầu tiêu chung.
Vợ chồng chị D và vợ chồng đứa con gái sau giờ làm việc đều nằm lăn lóc trên sàn nhà. Mùa nóng thì lau gạch sạch rồi nằm, mùa lạnh thì trải thêm tấm chiếu. Không một mảnh vải hay tấm ny-long để có một góc riêng, nên không ai biết suốt những đêm dài của đời người ở trọ họ sinh hoạt chăn gối vợ chồng ra sao.
Vậy mà sau ba năm lên lập nghiệp ở Sài Gòn, cô con gái sinh được cho chị D một đứa cháu ngoại, cháu ngoại trai của chị được hai tuổi. Chị D nói: “Ba cái vách này ăn thua gì, ho mạnh một tiếng là sập. Tôi cũng không dám hỏi vợ chồng tụi nó “ngủ” vậy sao có con được”.
Không chỉ trường hợp con gái chị D mà hàng triệu đôi lứa nhập cư nghèo đang ở Sài Gòn vẫn “yêu nhau” và sinh con đẻ cái như trong một cõi bí mật mà mọi phán đoán của người tò mò đều khó đoán được. Họ thuê nhà nghỉ, khách sạn mini tính tiền giờ ư? Thôi thì cứ tin là các mối tình nghèo ấy cũng có lúc được ân ái thăng hoa ở nơi tươm tất để òng xoay thiên chức truyền giống thiêng liêng được vận hành bất tận trong đô thị ngồn ngộn các vấn nạn xã hội bình thường và bất thường.
Thật cực đoan khi dựa vào một vài trường hợp yêu nhau vụng dại rồi sinh việc thiếu suy nghĩ vứt bỏ trẻ sơ sinh ở các xóm lao động hay nhà trọ khu công nghiệp… để rồi cho rằng các mối tình nghèo dễ dẫn tới hành vi phi đạo đức.
Không có điều tra xã hội nào cho biết về tình trạng sinh sống, y tế, giáo dục… của các đứa con của người nhập cư. Nếu ở Mỹ, các đứa trẻ nhập cư như chúng sẽ ưu tiên có quốc tịch Mỹ và là nền móng để cha mẹ chúng nhập tịch và có giấc mơ Mỹ. Nhưng ở Sài Gòn, trẻ con nhập cư vẫn cứ phải lớn lên cùng với cuộc tình bền vững của cha mẹ hoặc phải lớn lên với những đứa em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha. Trẻ con nhập cư nghèo ở Sài Gòn, đa số như mầm non hoang dại, đứa có hộ khẩu, đứa không nhưng cùng số phận bấp bênh trong lòng một đô thị lớn mà vô cảm.
Tương lại con cái mịt mùng
Trở lại với gia đình chị D. Chị tâm sự: “Chỉ tội thằng cháu ngoại, may là suốt ngày tôi ở nhà giữ nó nếu không, hổng biết bỏ nó ở đâu”. Chị D có công việc đơn giản là ngồi nhà lặt rễ cọng giá sống bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn. Không ai nghĩ trên đời này lại có cái nghề lặt rễ giá sống. Chị cho biết, mỗi ngày nếu thằng cháu ngoại không quậy, không bệnh cũng kiếm được hơn chục ngàn, vậy thôi. Về quê có đất đâu mà sống, không ở lại được Sài Gòn thì biết đi đâu.
Hẳn nhiên vợ chồng chị biết là để ở lại Sài Gòn lâu dài, gia đình chị phải có một căn nhà để xây dựng một gia đình làm mái ấm cho vợ chồng đứa con gái và đứa cháu ngoại. Cơ may nào cho giấc mơ ấy khi mà chồng chị chỉ là một người chạy xe ôm.
Có lẽ tất cả niềm hy vọng của vợ chồng chị D đều hướng vào cô con gái làm nghề mát xa. Ngay cả chàng con rể làm nghề thợ hồ, đêm đêm rước vợ mình từ tiệm mát xa về cũng không vì sĩ diện mà dấu diếm nghề nghiệp của vợ mình. Cả gia đình đều hé cho thấy là hy vọng vào số tiền bo của cô con gái, một ngày nào đó cô gái ấy khi hết tuổi xuân trẻ đẹp sẽ mua được một căn nhà nhỏ ở Sài Gòn.
Một căn hộ cho người nghèo ở Sài Gòn luôn có giá cao ngất trời so với thu nhập của họ. Và hy vọng của những mảnh đời dân nhập cư nghèo về việc sở hữu một chốn an cư cho các mối tình, để mỗi đêm, mỗi ngày sau cuộc ân ái, các bào thai tượng hình không phải mang tâm thức dân du canh du cư kiều mới. Hy vọng ấy, lúc này thật sự là nỗi hành hạ đến bạc đầu của đời tha hương kiếm sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét