Dân Trí - Tôi muốn nắm lấy bàn tay gầy gầy xương xương của họ, mà nói rằng :”Cháu rất yêu quý và kính trọng bác, người bán hàng của tấm lòng cháu… Bác đã bán cho cháu nhiều suy nghĩ quý giá. Cháu cảm ơn bác…”
Có ai đã từng nghĩ đến những người bán hàng rong chưa?
Bán hàng rong là một nghề cực nhọc, thức khuya dậy sớm khá là vất vả. Họ chỉ về nhà khi phố xá lên đèn, các con phố vắng lặng và dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị cho một ngày bán hàng mới. Tôi thường bắt gặp những người bán hàng rong trên các ngõ lớn ngõ nhỏ. Họ là một ông chú với nước da nâu sạm vì nắng gió, là một cô trạc tuổi mẹ tôi với dáng người gầy gò, khắc khổ hay thậm chí là cô bé nhỏ tuổi, nhanh nhẹn. Với đôi chân của mình, họ đi rao từng món hàng. Đã bao giờ bạn nhìn thấy một ông chú đi rao bán than chưa? Hay đã bao giờ bạn dừng lại một vài phút vào buổi sáng, mua một gói xôi vì lời mời mọc tha thiết của chị gánh xôi? Và bạn có để ý đến vẻ mặt hân hoan của cậu bé bán vé số khi có người đồng ý dừng lại mua giúp cậu một vài tờ? Chắc là không đâu nhỉ? Hay nếu có thì hình ảnh đó cũng chỉ thoáng qua tâm trí bạn như một cơn gió thôi. Và chưa hiểu hết những đồng tiền lẻ nhàu nát mà họ kiếm được. Tôi đã từng nghĩ rằng: “Dào ôi, chỉ là vài đồng bạc lẻ thôi mà, có gì to tát đâu!” Nhưng tôi đâu biết rằng, những tờ tiền đó cũng thật là đáng quý, đáng trân trọng. Chính những đồng tiền đó là cả một gia tài đối với một gia đình nghèo. Có một người cha đã ăn tiêu tằn tiện, góp nhặt từng xu lẻ từ nghề bán cà phê dạo để nuôi con ăn học. Cậu con trai đã xấu hổ biết bao khi đem nộp tiền học những tờ tiền cũ nát. Và cậu cũng đã xấu hổ với nghề nghiệp “nghèo hèn” của cha. Cậu không biết rằng nghề nghiệp đó đã nuôi cậu từ nhỏ cho đến giờ, nuôi cậu đi học và cho cậu cơm no, áo lành. Để có những thứ đó, cha cậu đã phải nhọc nhằn biết bao! Chỉ đến khi cha cậu mất, cậu mới hiểu giá trị của những đồng tiền lẻ và công việc cực nhọc của cha, trân trọng những phút giây còn cha bên đời, để đón cha sau mỗi ngày bán cà phê mệt mỏi…
Không chỉ nghề bán cà phê dạo mới mệt mỏi đâu! Các gánh hàng bán dạo khác cũng như vậy đấy. Họ phải dậy từ sớm để tất bật cho một ngày mưu sinh, tất bật cho cuộc sống. Cô bán xôi dậy sớm nấu những mẻ xôi thơm lừng, bà bán muối tới lò muối để lấy hàng sớm…. Rồi khi thành phố vẫn còn ngái ngủ thì họ cất tiếng rao vang lừng, ngọt ngào mời gọi: “Ai xôi nóng đây…”;”Ai mua muối đây…” Cái tiếng rao ấy đã trở thành đặc trưng của buổi sáng, của các ngõ hẻm, đến nỗi khi không bắt gặp nó, thì bạn sẽ ngẩn ngơ như thiếu mất cái gì đó, hoặc buột miệng tự hỏi: “Sao hôm nay cô bán xôi chưa đến nhỉ?”
Khi còn nhỏ, tôi đã có lúc nghĩ không đúng về những người bán hàng rong. Tôi không có ý coi thường họ, nhưng vì là con gái của một giáo sư nên tôi tuyệt nhiên coi những nghề lao động đầu óc là nghề cao quý, còn những người bán dạo đang làm nghề nghèo hèn. Tôi không thích cái áo cũ mà họ mặc, không thích chiếc xe cà tàng mà họ đi và hơn nữa là không thích nhìn thấy họ. Tôi thầm hỏi: “ Sao bác không mua cái áo mới nhỉ?... Sao bác không đi bằng chiếc xe đẹp hơn nhỉ?” Tôi đem suy nghĩ non nớt trẻ thơ đó mỗi khi bắt gặp những người bán dạo, Nhưng càng lớn, tôi càng có nhiều suy nghĩ khác. Tôi tự trách mình vì trước đây đã nghĩ sai về họ. Tôi đã hiểu vì sao họ luôn đi chiếc xe cũ kỹ, mặc chiếc áo đã ngả sang màu cháo lòng… tôi đã nhận ra: nghề nghiệp nào lương thiện để kiếm ra tiền cũng đều đáng quý cả. Và tôi biết rằng: đó là những ông bố, những bà mẹ giống như bố mẹ tôi mà thôi. Chỉ vì cuộc sống đưa đẩy, vì hoàn cảnh mưu sinh mà họ phải lăn lộn ngoài đường kiếm miếng cơm, manh áo. Vậy chắc họ cũng mệt mỏi như bố mẹ tôi nhỉ? Ừ, mệt thì có mệt thật, nhưng chỉ cần về đến nhà, nhìn thấy các con chờ bố mẹ là hết mệt ngay. Tôi đã từng chứng kiến giây phút một bác bán bóng bay đi bán về, quây quần bên gia đình với bữa cơm tối đạm bạc. Tuy cuộc sống nghèo khổ nhưng ai cũng tươi cười, vui vẻ. Khuôn mặt bác khi đi bán mệt mỏi, âu sầu biết bao nhiêu, thì khi về với gia đình lại vui vẻ bấy nhiêu. Tôi hiểu rằng: chính không khí yên vui của gia đình là liều thuốc tiên chữa lành mọi vết thương của những người bán rong nhọc mệt. Và tôi càng thêm trân trọng những người bán rong, họ giúp tôi vỡ lẽ ra điều nhiều đơn giản, chỉnh trang để hướng thiện bao suy nghĩ non nớt nơi tôi.
Còn nhớ, những tháng mùa đông, tôi học bài rất khuya, lên giường cuộn mình trong chiếc chăn ấm, tôi bỗng nghe tiếng rao của bác bán bánh mì. Tiếng rao nghe buồn buồn, khàn khàn, như cứa vào tận trái tim: “Ai…bánh mì nóng…đây…. Ai… mua bánh nóng…đi” Tiếng rao như lời năn nỉ ai đó hãy mua giúp mình chiếc bánh. Tôi nghe nhói trong lòng, như cay cay sống mũi. Trời khuya lắm rồi, lại còn là mùa đông, ai ra ngoài đường nữa mà mua bánh! Tôi biết, bác bánh mì chắc lạnh lắm, và tôi còn cảm nhận được những giọt nước mắt trong lời rao, lời mời gọi tha thiết đó. Đột nhiên tôi thầm mong có ai đó ra mua bánh của bác, mua thật nhiều, để bác được về nhà sớm, bác không phải đi trong gió lạnh của đêm khuya nữa. Và tôi nghĩ: “Chắc bác phải cần tiền lắm mới đi bán khuya như vậy.” Bác cần tiền làm gì? Tôi trẻ nguời non dạ, sau này mới hiểu đồng tiền đó cần cho gia đình bác, trong đó có những đứa trẻ trạc tuổi như tôi Nếu lần sau được nói chuyện với những người bán hàng rong, tôi muốn nắm lấy bàn tay gầy gầy xương xương của họ, mà nói rằng :”Cháu rất yêu quý và kính trọng bác, người bán hàng của tấm lòng cháu… Bác đã bán cho cháu nhiều suy nghĩ quý giá. Cháu cảm ơn bác…”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét