Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

Vụ nhà báo Hằng Nga bị cấm xuất cảnh: Pháp luật chỉ được hiểu một nghĩa không được hiểu nhầm, hay ngầm hiểu?

Ly Ly

(PL+) - Như vậy nhà báo Hằng Nga vi phạm điểm nào, khoản nào, điều bao nhiêu? Công an Đà Nẵng phải viện dẫn cụ thể, chính xác.

Lệnh cấm xuất cảnh không rõ ràng, hay thiếu vô tư?

Vụ việc Công an Đà Nẵng cấm xuất cảnh đối với nhà báo Dương Thị Hằng Nga (Trưởng văn phòng đại diện tạp chí Giao Thông Vận Tải khu vực miền Trung và Tây Nguyên) đang gây ra sự quan ngại về hệ lụy của việc các nhà báo viết bài liên quan tới chống tiêu cực.

Theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Nghị định số 136 của Chính phủ nêu rất rõ về việc cấm xuất cảnh như sau: "Điều 21. Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ".

Sở dĩ phải trích dẫn đầy đủ Điều 21 trong Nghi định số 136 của Chính phủ, để lập luận việc Công an Đà Nẵng cấm nhà báo Hằng Nga xuất cảnh là tương ứng với trường hợp nào?.

Ông Ngụy Thế Hùng, (nguyên cán bộ VKSND tối cao) phân tích: Việc Công an Đà Nẵng viện dẫn Điều 21 Nghị định 136 cấm xuất cảnh đối với nhà báo Hằng Nga là chưa rõ ràng, thiếu tính chính xác.

Bởi lẽ, trong Điều 21 có tới 07 (bảy) trường hợp cấm xuất cảnh. Như vậy nhà báo Nga bị cấm xuất cảnh thuộc trường hợp nào?

Nếu Công an Đà Nẵng cho rằng, nhà báo Hằng Nga vi phạm một trong 07 trường hợp nêu trên, thì Công an Đà Nẵng phải gửi công văn về đơn vị, nơi nhà báo Hằng Nga đang công tác. Hoặc gửi trực tiếp cho nhà báo, đây là việc làm bắt buộc.

Nếu nhà báo Hằng Nga và cơ quan nơi chị công tác đều không nhận được bất cứ văn bản nào từ Công an Đà Nẵng có nội dung "cấm nhà báo Hằng Nga xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú", thì việc Công an Đà Nẵng đưa ra lệnh cấp xuất cảnh đối với nhà báo Nga là trái với quy định của pháp luật.

Trong vụ việc này, cơ quan chức năng cần làm rõ, việc "cấm" xuất cảnh đối với nhà báo Hằng Nga, do áp dụng sai luật hay có yếu tố không vô tư?

Vì pháp luật không được hiểu nhiều nghĩa, không được ngầm hiểu.

Người đưa ra quyết định cấm xuất cảnh đối với nhà báo Hằng Nga, nếu trái quy định của pháp luật thì phải bồi thường và chịu hình thức kỷ luật tùy theo mức độ.

Cần bảo vệ những người đấu tranh tiêu cực

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng đưa ra quan điểm: Việc Công an Đà Nẵng cấm nhà báo Hằng Nga xuất cảnh, cần phải viện dẫn điều luật đầy đủ và chính xác.

Vì đây là vấn đề, thời điểm Công an Đà Nẵng có trách nhiệm đưa ra câu trả lời chính xác, việc họ đưa ra lệnh cấm nhà báo Hằng Nga xuất cảnh, để trả lời công luận nói chung và nhà báo Hằng Nga nói riêng.

Nhà báo Hằng Nga không phải là bị can, không phải là người có liên quan đến vụ án đang điều tra.

Vì vụ án đã được khởi tố đâu? ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.

Do đó, lãnh đạo Công an Đà Nẵng cần xem xét, làm rõ, nếu quyết định đó trái với quy định của pháp luật, thì cán bộ nào đưa ra quyết định đó phải bồi thường, kỷ luật tùy theo mức độ.

Dư luận nên đặt câu hỏi, tại sao trong một số trường hợp cụ thể, có tội phạm nguy hiểm, tham nhũng, tẩu tán tài sản thì Công an lại chậm trễ trong việc khoanh vùng, cấm xuất cảnh?

"Nếu cơ quan chức năng không làm rõ, đây sẽ là những hệ lụy của những người đấu tranh tiêu cực nói chung và những nhà báo nói riêng", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét