Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Thạc sĩ kinh tế nỗ lực giúp trẻ em thoát khỏi nạn buôn người

Giang Thư Quân

Zing - Sau khi tốt nghiệp ĐH Harvard, ĐH California và làm việc tại Mỹ, thạc sĩ kinh tế Diệp Vương chuyển sang hoạt động xã hội, giúp đỡ trẻ em gái, phụ nữ bị rơi vào nạn mua bán người.

Diệp Vương là Cử nhân ngành Kinh tế Đại học Harvard (Mỹ), Thạc sĩ ngành Kinh tế Đại học California và Thạc sĩ ngành Quản lý cộng đồng Đại học San Jose State. Hoàn tất chương trình học tại Mỹ, cô làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin với mức lương đáng mơ ước.

Tuy nhiên, từ năm 2001, Diệp Vương quyết định trở thành nhà hoạt động xã hội, giúp đỡ trẻ em gái, phụ nữ kém may mắn và đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Vòng tay Thái Bình - Pacific Links Foundation (PALS), chuyên về công tác phòng chống nạn mua bán người tại Việt Nam.

- Cơ duyên nào đưa chị đến với tổ chức Vòng tay Thái Bình (PALS)?

 - Tôi may mắn trưởng thành trong môi trường giáo dục hiện đại của Mỹ và ý thức được tầm quan trọng của việc đầu tư giáo dục cho thế hệ tương lai. Vì thế, tôi nảy ra ý tưởng cùng một số người Mỹ gốc Việt tổ chức chương trình chia sẻ kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, giáo dục mầm non, khoa học kỹ thuật cho giới trẻ Việt Nam. Đây cũng là mục đích thành lập ban đầu của PALS vào năm 2001.

- Từ tổ chức về công nghệ, tại sao chị chuyển hướng hoạt động của PALS vào việc phòng chống nạn mua bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam?

- Năm 2003, tôi có dịp xem một phóng sự truyền hình về bé gái Việt Nam bị bán sang Campuchia. Sau đó, tôi đã gặp một vài hộ gia đình còn nhiều khó khăn, sống ở vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới Việt Nam với các nước xung quanh như Lào, Campuchia, Trung Quốc…

Tôi nghe được nhiều câu chuyện về những kẻ lừa gạt hứa hẹn trao cơ hội làm việc với mức lương 1.000-1.500 USD/tháng cho các em còn chưa tốt nghiệp cấp 2, cấp 3. Thiếu kiến thức và kinh nghiệm, các em dễ tin người xấu, để rồi người mất tiền, kẻ mất mạng. Do đó, tôi nghĩ mình cần phải góp chút sức lực của mình để phòng chống nạn mua bán người.

- Chị nghĩ gì về nạn mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em?

- Thật ra thì Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất gặp phải vấn nạn này. Nạn mua bán người đã trở thành “ngành kinh tế” quy mô 150 tỷ USD mỗi năm. Thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy mỗi năm có khoảng 20 triệu người trên toàn thế giới bị rơi vào vòng xoáy tội lỗi này. Chính phủ Mỹ cũng đánh giá Việt Nam là quốc gia có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống vấn nạn chung. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn trong vòng nguy hiểm. Các em có khả năng bị dụ dỗ bất kỳ lúc nào.

- Hoạt đông chính của PALS xoay quanh việc giáo dục cho trẻ em, truyền đạt kinh nghiệm sống của phụ nữ ở nông thôn. Điều đó giúp ích như thế nào trước thực trạng nói trên?

- Giáo dục là cách duy nhất để giảm thiểu nạn buôn người. Có thể thấy, trẻ em nông thôn chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức cần thiết để nhận ra công việc nào là thực tế, công việc nào chỉ là sự dối gạt. Các em sẵn sàng nhận những công việc có mức lương cao để đảm bảo cuộc sống mà không tìm hiểu kỹ càng. Vì vậy, tôi cùng các tình nguyện viên PALS thiết kế nhiều chương trình phát triển giáo dục mở rộng sự hiểu biết và nâng cao nhận thức để các em biết tự bảo vệ.

- Cụ thể chị triển khai hoạt động hỗ trợ giáo dục như thế nào?

- Từ trước đến nay, chúng tôi không trao tiền trực tiếp cho các em, vì nhiều gia đình nông thôn ưu tiên sử dụng số tiền đó cho mục đích khác. Mỗi năm, PALS trao hơn 1.000 suất học bổng bao gồm học phí, sách vở, đồng phục… cho những trẻ em gái đang đến trường. Chương trình này kéo dài đến khi các em hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (lớp 12). Trong một số trường hợp, chúng tôi xem xét hỗ trợ việc học đại học.

Tính đến nay, tổ chức Vòng tay Thái Bình tự hào trao đi hơn 7.000 lượt học bổng ý nghĩa. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức trại hè “Kết nối tương lai” vừa diễn ra ở An Giang vào ngày 16-23/7 vừa qua, giúp các em được vui chơi và có thêm kỹ năng mềm, kiến thức về thế giới mới mẻ xung quanh.

- Tổ chức Vòng tay Thái Bình - Pacific Links Foundation (PALS) có dự định gì trong thời gian tới?

- Như đã chia sẻ, Vòng tay Thái Bình dành nhiều tâm huyết để trao cơ hội cho người trẻ Việt hoà nhập với thế giới, cũng như mang nhiều kiến thức mới về giáo dục đến trẻ em Việt Nam, để các em có đủ bản lĩnh, tự tin và có những quyết định đúng đắn cho tương lai, góp phần hạn chế nạn mua bán người. Dù thực hiện bất kỳ hoạt động gì, chúng tôi sẽ luôn kiên trì với mục đích như vậy.
***


Vòng tay Thái Bình - Pacific Links Foundation (PALS) là tổ chức phi chính phủ Mỹ thành lập tại tiểu bang California, Hoa Kỳ, chuyên hoạt động trên lĩnh vực phòng chống nạn mua bán phụ nữ và trẻ em. Về Việt Nam từ năm 2001, PALS ghi dấu ấn bởi nhiều hoạt động ý nghĩa như tổ chức các buổi tập huấn về giáo dục mầm non, trao tặng hơn 7.000 lượt học bổng, tổ chức trại hè “Kết nối tương lai” cho hàng trăm trẻ em, hợp tác xây dựng Nhà nhân ái để giúp đỡ nạn nhân bị bán sang nước ngoài… Bạn đọc có thể liên hệ với PALS qua email: connect@pacificlinks.org hoặc điện thoại: 076 3955440.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét