(NLĐO) – Vừa được tặng thưởng năm 2017, của Hội Nhà văn TP HCM, lập tức nhiều ý kiến trái chiều của các nhà chuyên môn lên tiếng mạnh mẽ về tập “Thơ trắng” của tác giả La Mai Thi Gia.
Xưa nay cách làm việc theo kiểu đại khái của Hội Nhà văn TP HCM chưa bị phản ứng mạnh mẽ nên vẫn cứ tồn tại tới giờ. Hội đồng chung khảo sẵn sàng lấy số đông (7 thành viên) và tính chất quyết định để phủ quyết số phiếu ít hơn (5 thành viên) của hội đồng sơ khảo, trao tặng thưởng cho các cuốn sách gây xôn xao tranh luận trái chiều về chất lượng tác phẩm. Công chúng biết tin vào ai khi chính các thành viên của hội đồng chuyên môn "đấu đá" lẫn nhau, người này ủng hộ hết lời, người kia phủ quyết tuyệt đối?
"Hội đồng sơ khảo không giới thiệu "Thơ trắng" mà một số thành viên của hội đồng chung khảo, ở đây cụ thể là PGS.TS Đoàn Lê Giang – Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn TP HCM đã giới thiệu tập "Thơ trắng" của La Mai Thi Gia" – nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM cho biết.
Đánh giá về chất lượng của "Thơ trắng" của La Mai Thi Gia, PGS. TS Đoàn Lê Giang cho biết: "Tôi rất ấn tượng khi đọc thơ của nữ tác giả La Mai Thi Gia trên trang facebook cá nhân của nữ nhà thơ này và thấy độc giả trên mạng xã hội rất tán thưởng cô ấy. Phong cách làm thơ của Thi Gia là rất đàn bà, nó thể hiện điều gì đó rất ấn tượng. Tôi thấy rất thú vị nên đã quyết định giới thiệu tập "Thơ trắng" với hội đồng chung khảo".
Việc tin vào một số bài thơ và các phản ứng của cộng đồng trên mạng xã hội facebook như cách mà PGS. TS Đoàn Lê Giang đánh giá về tập thơ của La Mai Thi Gia đã đúng chưa? Và đã công bằng với các tác giả khác chưa khi mà trên mạng xã hội bây giờ có quá nhiều chiêu trò PR? Và tại sao một nhà chuyên môn lại dùng mạng xã hội như một tham chiếu về chất lượng chuyên môn?
"Phải tìm cho mình đúng kênh thông tin tham chiếu. Nếu một năm bạn chỉ đọc một tập thơ thì bạn thấy tập thơ đó hay là đương nhiên. Còn nếu bạn đọc 100 tập thơ khác nhau thì bạn sẽ thấy tập nào hay tập nào dở?" – nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thẳng thắn có ý kiến.
Với "Thơ trắng", theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chỉ ở mức "tập tễnh bước vào thi ca". Cùng chung nhận định về chất lượng tập sách của tác giả La Mai Thi Gia, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan bức xúc, quyết liệt phản biện:
"Làm thơ kiểu đàn bà như cô ấy, tất cả chúng tôi đều làm được. Cô ấy là một cô giáo, theo như các anh nói là rất có tư cách, nhưng tôi đọc thơ của cô ấy và rất bất ngờ thấy những câu thơ như "Hồn cỡi mây mà say/ Vùi trong nhau ngất ngây/ Rồi xem giun dế làm tình…" (Trích trong bài "Em muốn"); "Ngực thơm cho anh gối đầu/ Đùi thơm cho anh giấu mộng/ Giấu tình vào thung sâu…" (Trích bài "Em muốn"); "Trần truồng như trẻ nhỏ/ Cùng em bày cuộc vui/ Cứ cười và cứ khóc/ Rồi vào nhau ngủ vùi…" (Trích bài "Cùng em bày cuộc vui"). Tôi không hiểu tại sao mấy anh đàn ông rất thích thể loại thơ này?" - Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan nói.
Tập thơ của La Mai Thi Gia đầy rẫy những câu kiểu như: "Thì yêu đi/ Cứ quanh quẩn chờ nhau, nhịn thèm, nhịn đói/ Môi em khát, thịt da em khát/ Chờ cho hết tuổi xuân đi…" (Trích bài "Chết vì yêu thì chết đi nào"); "Nơi bờ bãi hoang mang rộn ràng lau lách/ Ta chôn mình vào trong nhau thật sâu/ Tình sâu trong nhau tình nghe rát đau…" (Trích bài "Và ta, ta tan tác muôn phần"); "Tự mình nắm lấy tay mình/ Tự mình ủ ấm tim mình/ Tự mình ve vuốt thân mình hồn nhiên/ Tự mình…/ Tự mình… Tự mình cắn lấy môi mình cuồng điên" (Trích bài "Tự mình cắn lấy môi mình cuồng điên").
"Ngoài những phút làm thơ bay bổng, công việc thường xuyên của cô ấy là đứng trên bục giảng trước hàng ngàn học sinh. Các học sinh luôn nhìn vào người thầy, người cô của mình như những hình ảnh chuẩn mực, như hình mẫu để các em phấn đấu. Dù muốn lắm nhưng một cô giáo có nên làm những bài thơ như La Mai Thi Gia ?" – nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan đặt vấn đề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét